Mới đây, một người phụ nữ tên T.T.L., 27 tuổi, ở Cà Mau, đã tử vong sau một ngày lên TP.HCM nâng ngực trong khách sạn.
Gia đình cho biết bệnh nhân L. được một cơ sở thẩm mỹ có địa chỉ tại TP Cà Mau giới thiệu lên TP.HCM để làm các thủ thuật làm đẹp. Ngày 27/6, chị L. vào một khách sạn ở quận 10 và được tiêm filler chuẩn bị nâng ngực.
Vài phút sau đó, nạn nhân có biểu hiện bị co giật, nghi do sốc thuốc. Những người có mặt tại hiện trường đã đưa chị L. vào bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong.
Filler không phù hợp để tiêm vào ngực, mông
Tiến sĩ, bác sĩ Tống Thanh Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia, Hà Nội, nhận định trường hợp bệnh nhân trên có thể do sốc phản vệ (hiếm gặp), phù phổi cấp (thuyên tắc mạch phổi) dẫn đến tử vong.
Khi tiêm filler để nâng ngực, bệnh nhân có thể gặp các rủi to từ nhẹ đến nặng. Trường hợp nhẹ, người bệnh bị sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực.
Theo bác sĩ Tống Thanh Hải, trường hợp nặng thường xảy ra khi bị tiêm vào mạch máu, động mạch dẫn đến tắc mạch, hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến núm vú. Hậu quả gây biến dạng ngực trầm trọng.
“Tiêm filler mang hiệu quả nhanh chóng, song chỉ thích hợp với những vùng có diện tích nhỏ như mũi, cằm, má, môi, tai… Chất này không phù hợp để tiêm vào ngực hay mông. Đặc biệt vùng ngực, tiêm filler số lượng lớn có thể gây tắc mạch, nhiễm trùng. Các cơ sở thẩm mỹ thường ‘đánh’ vào lòng tin và mong muốn đẹp ngay, không phải phẫu thuật, khiến nhiều phụ nữ mắc bẫy”, bác sĩ Hải nói.
Theo vị chuyên gia, nguyên nhân khác khiến nhiều người vẫn tiêm filler vào ngực, mông là từ sự thiếu hiểu biết của khách hàng, các luật và chế tài giằng buộc còn lỏng lẻo.
Chuẩn bị gì khi muốn nâng cấp vòng 1?
Bác sĩ Hải nhấn mạnh khi có nhu cầu nâng cấp vòng 1, người dân cần xác định rõ mục tiêu của bản thân. Sau đó, bạn đến gặp chuyên gia tư vấn là nhữn bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc da liễu thẩm mỹ tại các cơ sở y tế uy tín. Hãy hỏi chuyên gia của bạn tất cả vấn đề còn thắc mắc, đặc biệt về nguy cơ biến chứng.
“Sau khi đã được giải đáp, nếu quyết tâm thực hiện, bạn nên chuẩn bị thời gian, sức khoẻ và kinh tế. Điểm quan trọng là người dân cần chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tao hình và thẩm mỹ để thực hiện”, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện bỏng Quốc gia, nhấn mạnh.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý lụa chọn đơn vị có hệ thống chăm sóc tận tình. “Không phải cứ làm xong là đẹp, khách hàng cần có quá trình theo dõi chăm sóc chuẩn y khoa. Cơ sở làm đẹp có thể heo dõi xa những vấn đề nguy cơ gây tác động của quá trình can thiệp vào cơ thể”, bác sĩ Hải nói.
Theo bác sĩ Hải, chất làm đầy đều được cơ thể chuyển hoá và hấp thu từ từ nên không cần phải test trước khi dùng. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ biến chứng, chúng ta nên sử dụng các chất làm đầy được FDA, Bộ Y tế cấp phép và cung cấp bởi các chuyên gia, công ty dược, nhà thuốc phân phối.
Khi có nhu cầu nâng ngực, người dân có thể lựa chọn các phương pháp khác thay vì sử dụng filler như tiêm mỡ tự thân, độn túi ngực, phẫu thuật chuyên vạt vi phẫu (đối với trường hợp mất tuyến vú do cắt bỏ).
Nguồn: Zing News
Link bài viết gốc. Xem tại đây